“Không hiểu gì về điện, về ngành cơ khí chế tạo máy nhưng người nông dân còn làm được máy cày, máy bừa… mà sao mình lại thua cuộc?” - suy nghĩ ấy đã khiến thượng úy Nguyễn Thị Trinh, nhân viên văn thư, bảo mật Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, quyết tâm đi đến tận cùng đam mê. Chị đã sáng chế thành công chiếc máy hủy giấy đa năng mang lại hiệu quả cao.
Sáng kiến được nhân rộng đã mang lại cho thượng úy Nguyễn Thị Trinh nhiều giải thưởng ở nhiều hội thi, cuộc thi. Đặc biệt mới đây, nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội LHPNVN (20/10/1930 - 20/10/2018) và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chị đã vinh dự được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018.
Chị Trinh kể, chị công tác trong ngành văn thư - bảo mật - lưu trữ nhiều năm. Chị cũng là người chứng kiến cảnh hàng ngày lượng tài liệu hư hỏng thải ra rất nhiều không chỉ riêng ở bộ phận văn thư mà ở các phòng ban. Mặc dù trước đây, cơ quan chị đã được cấp máy hủy giấy do nước ngoài sản xuất, nhưng có một hạn chế là phải hủy từng tờ, máy lại thường xuyên bị kẹt, hỏng hóc phải sửa chữa rất tốn kém.
Sau thời gian ngắn thì máy không hoạt động được, các cán bộ, nhân viên Văn phòng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phải xử lý bằng cách đốt truyền thống. Nhưng khi đốt, lượng khí thải độc hại ra môi trường rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là có thể gây cháy nổ và không tái chế được dẫn đến lãng phí. Ước tính, mỗi tháng, lượng văn bản dự thảo và thải loại của cả lực lượng vũ trang tỉnh lên đến gần 1 tấn giấy gây lãng phí gần 4 triệu đồng.
Với trăn trở làm thế nào để lượng tài liệu thải ra được tái chế lại nhưng vẫn bảo đảm được bí mật quân sự, chị Trinh nung nấu ý tưởng phải làm ra một chiếc máy hủy có nhiều tính năng, tác dụng ưu việt hơn. Thế nhưng, từ ý tưởng đến khi ra đời chiếc “máy hủy giấy đa năng” là cả một quá trình khó khăn, vất vả. Khó khăn lớn nhất của chị lúc đó là không hiểu biết gì về điện, về ngành cơ khí chế tạo máy.
Nung nấu niềm đam mê của mình, chị đã mày mò nghiên cứu thông qua mạng internet, qua tài liệu, sách báo và tham khảo ý kiến của anh em, bạn bè... Đến khi hình thành xong bản thiết kế, chị phải rong ruổi đến các làng nghề, xưởng sửa chữa đề nghị họ làm theo ý tưởng của mình. Nhưng ở những nơi đến, chị đều nhận được câu trả lời “chưa làm máy như thế này bao giờ”.
Đã có lúc, chị định buông xuôi nhưng lại nghĩ, người nông dân còn làm được máy cày, máy bừa... mà sao mình lại thua cuộc? Vì thế, chị lại hạ quyết tâm tiếp tục đến các xưởng đề nghị họ hợp tác chế tạo máy. Rất may, một lần đến nhà người em sửa chữa máy xúc, khi nói chuyện về ý tưởng, người em đã đồng ý giúp.
Thượng úy Nguyễn Thị Trinh bên chiếc máy hủy giấy đa năng do mình chế tạo |
Chị rất vui, vội đến cơ sở mua phế liệu về nhờ gò hàn, lắp ráp. Thế nhưng, khi hoàn thiện, lắp vào thì máy kêu rất to, lắp dao vào thì dao bị quăn do sắt mỏng không thể nghiền giấy được. Suy nghĩ, trăn trở mãi, cuối cùng chị tìm ra cách là nhờ người tìm lưỡi cưa ở tận huyện Sa Thầy trong tỉnh đem về để rèn lại, đưa vào chạy thử thì công suất đạt hiệu quả tốt. Trong vài phút, máy có thể hủy được vài trăm tờ, bìa cứng, bao ni lông, sách, ghim, kẹp, với giá thành rẻ.
Sáng kiến máy hủy giấy đa năng của chị được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biểu dương và chỉ đạo Sở Khoa học Công nghệ hoàn thiện, nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh.
Được lòng dân nhờ “3 bám, 4 cùng”
Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, chị còn tích cực tham gia công tác dân vận và các hoạt động thiện nguyện. Cuối năm 2017, được thủ trưởng đơn vị tin tưởng, giao nhiệm vụ tăng cường làm công tác dân vận tại xã Ia Chim, TP Kon Tum - nơi trình độ hiểu biết của bà con còn hạn chế, cũng là điều kiện để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ các dân tộc anh em. Nhận nhiệm vụ, chị rất lo, nhiều đêm không ngủ được, trăn trở tìm cách giải quyết.
Việc đầu tiên là chị đã cùng với anh em trong đội xuống từng nhà, gặp từng người. Sau nhiều lần tiếp xúc với bà con, chị nhận thấy bà con chỉ tin vào những điều mắt thấy, tai nghe, những cán bộ miệng nói, tay phải làm. Vì thế, chị đã cùng đồng đội thực hiện “3 bám, 4 cùng” (bám vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, bám vào nhiệm vụ chính trị, bám sát vào địa bàn dân cư; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng biết tiếng đồng bào dân tộc) với nhân dân.
Đồng thời giúp đỡ bà con trong những công việc hàng ngày như: Làm ruộng lúa nước, chăm sóc và thu hoạch cà phê, đào mương thủy lợi, làm nhà ở, hướng dẫn bà con làm các chế độ chính sách, tham gia xây dựng bản làng. Đặc biệt là thường xuyên nói cho bà con biết đề phòng không nghe, không tin lời kẻ xấu xúi giục.
Chị tâm sự: “Để tuyên truyền cho bà con hiểu và làm theo không phải là dễ. Lúc đầu, bà con không ủng hộ. Nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm và những việc làm cụ thể của mình, dần dần bà con đã tin tưởng và ủng hộ”. Qua gần 9 tháng thực hiện công tác vận động quần chúng nhân dân, đến nay, tình hình tại xã Ja Chim đã cơ bản ổn định, nhân dân đã yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Bộ CHQS tỉnh, chị cùng với BCH Hội thường xuyên tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ đi đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa để biểu diễn, tuyên truyền vận động nhân dân ở cơ sở. Bản thân chị đã tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ đi xin hàng ngàn bộ quần áo cũ về giặt sạch; vận động chị em, bạn bè góp tiền, gạo, mì tôm, dầu, bột ngọt, ti vi, giường, quạt... ủng hộ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn: phunuvietnam.vn
0 Nhận xét